Giới thiệu về lịch Thái

Giới thiệu về lịch Thái

Ngay từ rất cổ xưa, người Thái đã biết sử dụng lịch riêng. Trong Quam tô mương (Kể chuyện mường), thời Tạo Xuông, Tạo Ngần đã có người chuyên lo tính ngày tốt xấu và đã có sổ xem ngày lành tháng tốt và xem bói (gọi là sổ "Đu mự"). Khi đi mở mang bờ cõi, Lạng Chương đã mang theo cả ông Mo, ông Nghè và sổ "Đu mự" để phục vụ cho việc tính ngày tháng trong mọi công việc.

Hiện nay ở Sơn La, dân tộc Thái ở các huyện Thuận Châu, Sông Mã, Mườmg La, Mai Sơn và khu vực Thị xã Sơn La đang dùng rất phổ biến lịch Thái trong đời sống hàng ngày. Hầu hết những người từ trung niên đến cao niên đều nắm chắc lịch Thái. Người Thái ở các vùng này vẫn thờ cúng theo ngày Can của lịch Thái, nên cứ 10 ngày cúng 1 lần (gọi là pạt tông, ngày pạt tông gọi là mự vên tông). Ở mỗi vùng, bản đều có các ông "mo" hoặc "po mự" để lo việc xem ngày tốt xấu cho những ai có nhu cầu, như ngày cưới vợ gả chồng, khởi công hoặc lên nhà mới... Các ông này thường có cuốn Sổ cổ làm căn cứ cho việc tính toán và chọn ngày chọn giờ, đồng thời họ cũng tự soạn ra những nội dung lịch hàng năm để cung cấp cho nhân dân trong vùng. Các vùng khác trong tỉnh, những người cao tuổi cũng biết về lịch Thái, nhưng nó không được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng như các huyện nói trên.

Ngoài ra Lịch Thái còn được dùng phổ biến ở các vùng Tuần Giáo, Điện Biên của tỉnh Điện Biên, vùng Mường Khim, Mường Than của tỉnh Lai Châu và Mường Lò của tỉnh Yên Bái. Lịch của họ hoàn toàn giống với lịch Thái ở Sơn La. Ở nước ngoài, một số vùng người Thái như Thay Mao, Thay Lự (Trung Quốc), Thay Dong, Thay Nháy (Myanma), Thay Khửn (Thái Lan) cũng đang sử dụng loại lịch này.

1. Hệ đếm Can Chi

Thực ra ở người Thái Sơn La, trong các sổ sách cũ cũng như hỏi những người cao tuổi am hiểu về lịch Thái đều không sử dụng từ Can và Chi để chỉ hệ đếm này. Như vậy tên gọi hệ đếm này chưa được thống nhất, có người gọi "mự me mự lụk", có người gọi "mự phạ mự đin", người thì cho rằng chỉ có "mự" (10 ngày) và "chơ" (12 giờ), kết hợp mự với chơ theo từng cặp thì được hệ đếm 60 đơn vị… Còn ở Thái Lan thì họ lại sử dụng từ Sok (ศก) và Pi ( ปี), nhưng ở một số tài liệu thì có sử dụng cả từ Can (คาน) và Chi (จึอ) để chỉ hệ đếm của họ. Sau đây chúng tôi sẽ sử dụng từ Can và Chi để giới thiệu hệ đếm này.

  • Can: Người Thái cũng sử dụng 10 Can tương đương với 10 Can trong hệ đếm Can Chi của Á Đông. Đó là: (Cáp), (Hặp), (Hai), (Mâng), (Pấc), (Cắt), (Khốt), (Huộng), (Tấu), (Cá). Tương đương với: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
  • Chi: Người Thái cũng sử dụng 12 Chi tương đương với 12 Chi trong hệ đếm Can Chi của Á Đông. Đó là:
    (Chảư), (Pẩu), (Nhi), (Mẩu), (Xi), (Xảư), (Xngạ), (Một), (Xăn), (Hậu), (Mệt), (Cạư). Tương đương với: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
    Người Thái cũng sử dụng 12 con vật tượng trưng cho 12 Chi của hệ đếm. Đó là: Chuột, Trâu, Hổ, Ong, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn.
    Hầu hết các con vật đều giống với lịch Á Đông (trừ Ong thay cho Mèo, Thỏ).

Ở 5 nhóm Thái (Dong, Mao, Lự, Nháy, Khửn) cũng đang sử dụng hệ đếm này với tên gọi gần giống với Thái Sơn La, chỉ khác do phát âm theo tiếng địa phương (chẳng hạn: Chảư thành Chảy, Huộng thành Luộng, Hộng, Ụng, Hai thành Rai, Lai, Ai…). Riêng người Thay (dân tộc đa số của Thái Lan) thì có cách gọi tên hoàn toàn khác, tên gọi 10 Can là: Chasok, Saptasok, Attasok, Nofasok, Samrittisok, Eksok, Thosok, Trisok, Cattawasok, Bencasok. 12 Chi là: Chuất, Chulu, Khan, Tho, Marong, Maxeng, Mamia, Mame, Vok, Raca, Cho, Kun.

Đặc biệt, ở người Thái đen Việt Nam có ký hiệu riêng cho 12 chi. Qua kết quả điều tra chưa đầy đủ, các ký hiệu này chúng tôi chưa thấy có ở người Thái nước ngoài cũng như các nước Á Đông có sử dụng lịch theo hệ đếm Can Chi. Đồng thời cũng chưa thấy giống bất cứ ký tự của dân tộc nào khác. Ký hiệu như sau: 1. (Chảư); 2. (Pẩu); 3. (Nhi); 4. (Mẩu); 5. (Xi); 6. (Xảư); 7. (Xngạ); 8. (Một); 9. (Xăn); 10. (Hậu); 11. (Mệt); 12. (Cạư).

2. Các hệ thống tính thời gian của người Thái

2.1. Lịch theo Mặt trăng

Là loại lịch căn cứ vào sự thay đổi của Măt trăng, mỗi một chu kỳ thay đổi của Mặt trăng là 1 tháng. Tiếng Thái gọi Tháng là "bươn" trùng với tên gọi Mặt trăng, tức là một tháng có nghĩa là một trăng. Tiếng Lào và Thái Lan gọi tháng là "đươn" cũng có nghĩa là Mặt trăng. Người Thái Sơn La từ xa xưa cũng cho rằng một năm có 12 tháng: bươn Chiêng, bươn Nhi, bươn Xam, bươn Xí, bươn Hả, bươn Hốc, bươn Chết, bươn Pét, bươn Cẩu, bươn Xíp, bươn Xíp ết, bươn Xíp xong. Ở Thái Lan gọi tên các tháng là: มกราคม (mokkarakom), กุมภาพันธ์ (kumkhaphan), มีนาคม (minakhom), เมษายน (mesajon), พฤษภาคม (pruetsakhakhom), มิถุนายน (mithunajon), กรกฎาคม (karakadakhom), สิงหาคม (singhakhom), กันยายน (kanyayon), ตุลาคม (tulakhom), พฤศจิกายน (pruetsachikayon), ธันวาคม (thanwakhom). Ở Lào gọi các tháng là: (đươn măngkon), (đươn kumpa), (đươn mina), (đươn mêxa), (đươn pưcsapa), (đươn mithuna), (đươn colakot), (đươn singha), (đươn cănnha), (đươn tula), (đươn pachic), (đươn thănva)

Tháng cũng có tháng thiếu (đắp xiểu) 29 ngày và tháng đủ (đắp no) 30 ngày. Hiện nay tháng của lịch Thái đang chênh lệch so với tháng Âm-Dương lịch Việt Nam là 6 tháng. Trong các tác phẩm cổ và ca dao của người Thái đã dùng tháng để chỉ khí hậu thời tiết, chẳng hạn: Bươn Chiêng phôn líu li, Bươn Nhi ti phôn ti báu, Bươn Xam nặm dam ta, Bươn Xí năm hí con, Bươn Hả phôn xắng láu, Bươn Hốc pha lăng lẹng cứm nao, Bươn Chết lôm chệt lôm chu, Bươn Pét đét lẹng hương lôm on, Bươn Cẩu phạ xảu hương mốn mua, Bươn Xíp bok píp hưa náư đông, Bươn Xíp ết nặm nong, Bươn Xíp xong năm mả. (Có thể tạm dịch như sau: Tháng Giêng mưa rả rích, tháng Hai nơi mưa nơi không, Tháng Ba nước đầy bến, Tháng Tư nước rỉ phai, Tháng Năm mưa giã từ bông lau, Tháng Sáu sấm suông lạnh cóng, Tháng bảy gió cuộn gió lùa, Tháng Tám giá hanh khô, Tháng Chín trời sầu gió lạnh, Tháng Mười hoa "píp" rộ rừng ngàn, Tháng Mười một mưa lũ, tháng Mười hai nước tràn). Qua nghiên cứu các câu ca dao trên, các hiện tượng về thời tiết tương đối sát với thực tế. Điều này chứng tỏ người Thái đã dùng Âm-Dương lịch (tức là Âm lịch có tháng nhuận) từ rất xa xưa. Nếu dùng Âm lịch thuần tuý thì lịch không thể phản ánh được thời tiết.

Hiện nay ở Thái Lan, Lào và các nhóm Thái phía Tây chia tháng làm 2 phần:
- Đươn khửn nghĩa là Trăng lên (15 ngày): Tên các ngày là: Khửn nưng khăm, Khửn xong khăm… đến Khửn xíp hả khăm (trùng với ngày 1 đến 15 âm lịch).
- Đươn hem (rem) nghĩa là Trăng treo (14 hoặc 15 ngày): Tên các ngày là: Hem nưng khăm (trùng ngày 16 âm lịch), Hem xong khăm (trùng với ngày 17 âm lịch)… đến Hem xíp xí hoặc xíp hả (trùng với ngày 29 hoặc 30 âm lịch).

Nhưng người Thái ở Sơn La thì dùng hệ đếm thập phân để đếm ngày trong tháng từ 1 đến 29 hoặc 30, Tên gọi các ngày là: Căm nưng, Xong căm, Xam căm….. đến Xao cẩu hoặc Xam xíp căm. Ngày đầu tháng là ngày bắt đầu có Trăng, cuối tháng là ngày không Trăng (gọi là bươn đắp). Cách đếm 30 ngày này đã có từ xa xưa, vì người Thái có ca dao về Trăng tròn Trăng khuyết. Ngày đầu tháng là: Căm nưng bươn phặc, Xong căn pên phắc mak kham, Xam căm bươn hiếng… (Mồng một Trăn ấp, Mồng hai như trái me non, Mồng ba Trăng nghiêng…). Đến giữa tháng: Xíp hả môn chộc, Xíp hốc môn chẹn, xíp chết kin pết mết tô… (Mười rằm tròn lòng cối, Mười sáu tròn trịa, Mười bảy ăn vịt hết con mới mọc…) hoặc: Xíp hả bươn tốc, Xíp hốc bươn háng… (Mười lăm Trăng lặn, Mười sáu trăng treo…). Những câu ca này cũng rất sát với sự thay đổi của Mặt trăng, đồng thời chứng tỏ người Thái ở Sơn La đã sử dụng cách đếm ngày từ 1 đến 29 hoặc 30 từ rất xa xưa.

2.2. Lịch theo hệ đếm Can Chi

Thông thường nhất, người Thái dùng Chi để chỉ giờ, dùng Can để chỉ ngày, dùng hệ đếm thập phân để chỉ tháng và hệ Can Chi để chỉ năm. Mỗi người, mỗi nhà đều nắm chắc để tiến hành mọi công việc trong sản xuất và đời sống hàng ngày. Mự vên tông là ngày cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ đã mất (gọi là phi hươn), mỗi dòng họ sẽ có một ngày vên tông tính theo Can, cứ 10 ngày sẽ cúng một lần (gọi là pạt tông)… Mự pót là ngày hợp, không kiêng kỵ, tính theo Can ngày, đó là phải tránh các ngày sinh của mình (vên ok), ngày mất cha mẹ (mự cẩu côn), ngày thiêu cha mẹ (mự xeng pháy phạ) v.v…

Tuy vậy người Thái vẫn dùng hệ đếm Can Chi để chỉ cả giờ, ngày, tháng, năm như một số nước Á Đông. Nhưng những người bình thường không tự tính toán được mà chỉ có các ông mo hoặc po mự căn cứ vào sổ sách mới tính toán được. Khi cần mọi người dân phải đến các ông này để xin (gọi là ha mự). Mỗi bản hoặc mỗi vùng đều có những người có sổ sách và biết tính toán, đây là do nhu cầu tự nhiên.

Sổ sách của các ông này thường là một bộ gồm một số cuốn sách cổ, được gọi là Sổ Chong bang. Sổ Chong bang thực ra là cuốn sách bói toán (gần tương tự như cuốn Tử vi), nó bao gồm các nội dung chính như sau:


Bảng gồm 12 hàng cho 12 tháng trong năm, và 125 cột cho 125 tình huống khác nhau, như: Cẩu cong, Hong phưm, Phưm lok, Phưm lải, Hặp xảy, Hặp tai, Khuổm lay, Xay chẩu, Xay xin, Tai pao, Xiêu pao v.v… Mỗi tình huống này đều được giải thích nội dung: nên làm gì hay kiêng kỵ làm gì. Ứng với mỗi tháng sẽ có 125 tình huống khác nhau, po mự sẽ căn cứ vào các tình huống đó để tra tìm ngày phù hợp cho người đến ha mự.

Đây là bảng tóm tắt bảng trên, bảng này cũng có 12 hàng cho 12 tháng, nhưng chỉ có 12 cột cho 12 tình huống phổ biến và quan trọng nhất là: Cẩu cong, Hong phưm, Phưm lok, Phưm lải, Hặp xảy, Hặp tai, Khuổm lay, Xay chẩu, Xay xin, Tai pao, Xiêu pao.

Khi cần tìm ngày tốt cho một công việc nào đó liên quan đến làm nhà, chỉ tìm đến phần này. Phần này là một cách chỉ dẫn để tìm ngày tốt cho mỗi công việc cụ thể, nó gồm: ngày dựng nhà; ngày dựng cột "xau hẹk", "xau hóng"; ngày lên nhà mới; tính tuổi làm nhà… Trong đó các ngày đều có hình vẽ phụ hoạ:
- Có 60 hình vẽ cho 60 ngày của hệ đếm Can Chi. Mỗi hình đều vẽ hình tượng trưng của ngôi nhà sàn, trong đó có sàn nhà (hươn) và gầm sàn (lang). Ở sàn nhà được vẽ 1 hoặc 2 hoặc 3 hình người và chia làm 2 loại: người đứng, người nằm. Dưới gầm sàn được vẽ 1 hoặc 2 hoặc 3 hình con trâu (đại diện cho của cải) và cũng chia thành trâu đứng và trâu nằm. Muốn chọn ngày tốt phải chọn "pọm lang pọm hươn" (gầm và nhà như nhau), tức là số người và trâu phải bằng nhau, càng nhiều càng tốt và không có người nằm và trâu nằm (nằm là ốm hoặc chết).
- Có 12 hình vẽ để xem tuổi làm nhà, 12 hình được xếp theo vòng tròn, các hình vẽ được đặt tên riêng như sau: Tổn cuổi tăm, Mun khun nọi, Chọi tốc tắm, Nhăm lay kẻo, Heo mong, Chong pót, Nhọt pha xát, Tát hươn mun, Thun khang hạy, Xảy chếp lai, Ngua quai lót, Nhọt bun xuổi. Muốn tìm tuổi người ta đếm từ hình thứ nhất (Tổn cuổi tăm) theo vòng tròn, hết 12 hình thì lặp lại hình thứ nhất, cứ thế, đến khi tuổi người nào đó trùng với hình nào thì biết được làm nhà ở tuổi này sẽ như thế nào.

d) Xem ngày cưới vợ gả chồng: Phần này có các nội dung quy định ngày nào tháng nào có thể tiến hành được các công việc về hôn nhân: ăn hỏi, cưới xin, về nhà chồng…

e) Xem tuổi hợp nhau: Có nhiều cách xem tuổi hợp hoặc kỵ nhau:
- Xem theo nen (sẽ giải thích ở phần sau).
- Xem theo Can: Cáp hợp với Cắt; Hặp hợp với Khốt; Hai hợp với Huộng; Mâng hợp với Tấu; Pấc hợp với Cá. Cáp kỵ với Khốt; Mâng kỵ với Cá; Hai kỵ với Tấu; Hặp kỵ với Huộng.
- Xem theo Chi: Chảư hợp Pẩu; Nhi hợp Cạư; Mẩu hợp Mệt; Xi hợp Hậu; Xngạ hợp Một; Xảư hợp Xăn. Chảư kỵ Xngạ; Pẩu kỵ Một; Nhi kỵ Xăn; Xảư kỵ Cạư; Mẩu kỵ Hậu; Xi kỵ Mệt.

f)Bói ngày sinh: Phần này có 4 hình thức bói:
- Xem ca la năm sinh: Người ta xếp 8 con vật vào 8 ô theo vòng tròn, nếu năm sinh trùng với ô nào sẽ biết số phận sẽ ra sao qua phần giải thích từng ô.
- Bói tháng sinh: Phần này giải thích ai sinh tháng nào sẽ ra sao.
- Bói ngày sinh: Phần này giải thích ai sinh ngày nào sẽ ra sao.
- Bói giờ sinh: Phần này giải thích ai sinh giờ nào sẽ ra sao.

g) Bói ngày đi đường: Phần này quy định ngày tốt xấu khi xuất phát đi đường: đi đánh giặc, đi buôn bán, đi thăm người ốm, đi thăm bà con xa…

h)Bói các điềm: Phần này giải thích khi gặp các điềm này vào giờ nào sẽ ra sao.

i) Xem ca la hả: Đây là bảng để chọn ngày giờ đi đường và đi kiếm ăn (săn bắn, bắt cá, hái lượm…).

Đó là một số nội dung chính của Sổ Chong bang, ngoài ra nó còn rất nhiều nội dung khác nữa xung quanh việc bói toán.

2.3. Ngũ hành trong người Thái

Xuất phát từ quan niệm người Hy Lạp cho rằng nguồn gốc của vạn vật là 5 yếu tố ban đầu: Nước, Lửa, Đất, Không khí, Ánh sáng, người Trung Quốc đã hình thành nên thuyết Ngũ hành, 5 yếu tố đầu tiên là: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Thuyết này cũng được người Thái tiếp nhận và phát triển từ xa xưa. Người thái gọi hành là "nen". Có 5 nen là: Nen Căm ( ), Nen Nặm ( ), Nen Mạy ( ), Nen Phay ( ), Nen Đin ( ). Tương đương: Kim, Thuỷ, Mộc, Hoả, Thổ.

Người Thái cũng cho rằng các nen này cũng có nen hợp nhau (ok căn) và có nen kỵ nhau (đắp căn), tương tự như sự tương sinh tương khắc của thuyết Ngũ hành, theo quy luật như sau:
- Hợp nhau: Căm ok Nặm, Nặm ok Mạy, Mạy ok Phay, Phay ok Đin, Đin ok Căm.
(Tương tự: Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim).
- Kỵ nhau: Căn đắp Mạy, Mạy đắp Đin, Đin đắp Nặm, Năm đắp Phay, Phay đắp Căm.
(Tương tự: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim).

Những người nào sinh vào các nen hợp nhau, nếu lấy nhau thì sẽ hạnh phúc, phát triển, thịnh vượng. Ngược lại nếu kỵ nhau thì sẽ bị chia lìa, làm ăn không phát triển. Họ gán hành cho các năm như sau: Cáp, Hặp là Mạy; Hai, Mâng là Phay; Pấc, Cắt là Đin; Khốt, Huộng là Căm; Tấu, Cá là Nặm. Họ cũng gán hành cho các mùa: Mùa xuân thì Mạy mạnh; Mùa hè thì Phay mạnh; Mùa thu thì Căm mạnh; Mùa đông thì Nặm mạnh.

Từ những nội dung đã trình bày trên, chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau:


- Về âm lịch: Hiện nay, trong khi người Thái ở phía Tây vẫn sử dụng 15 ngày đươn khửn và 14 (hoặc 15) ngày đươn hem thì người Thái Việt Nam đã sử dụng Âm lịch theo theo Âm-Dương lịch Việt Nam, trên cơ sở tính toán theo giờ Việt Nam (múi giờ 7). Đó là ngày, tháng thiếu, tháng đủ, tháng nhuận, năm nhuận. Nhưng vẫn sử dụng tháng riêng lệch với Âm-Dương lịch Việt Nam 6 tháng, lệch với lịch Trung Quốc 6 - 7 tháng.
- Về hệ đếm Can Chi: Cơ bản là tương tự như hệ đếm Can Chi Á Đông, nó có nguồn gốc từ thuyết Thiên can - Địa chi của Trung Quốc. Nhưng nó có tên gọi hoàn toàn khác với tiếng Trung Quốc. So với 5 nhóm Thái: Thay Dong, Thay Nhày (Myanma), Thay Khửn (Thái Lan), Thay Lự, Thay Mao (Trung Quốc) thì mặc dù chữ viết khác hẳn nhau, nhưng tên gọi lại gần giống nhau, chỉ sai khác đôi chút. Chứng tỏ người Thái Việt Nam và 5 nhóm Thái này có chung cả nguồn gốc tên gọi. Riêng với người Thay (người Thái đa số ở Thái Lan), họ lại có một hệ thống tên gọi hoàn toàn khác (khác cả với Thái Việt Nam, với 5 nhóm Thái trên và khác cả với tên gọi của Trung Quốc). Đặc biệt chỉ có Thái Việt Nam mới có ký hiệu riêng cho Chi của hệ đếm, có thể đây là sự sáng tạo của người Thái Việt Nam.
- Về ngũ hành: Cơ bản giống với thuyết Ngũ hành của Trung Quốc và các nước Á Đông. Người Thái đã tiếp thu thuyết Ngũ hành, bổ sung hệ thống tên gọi cho phù hợp với dân tộc.