Giới thiệu về người Thái
Dân tộc Thái ở Việt Nam có cùng nguồn gốc với các cộng đồng ngữ hệ Thái thế giới. Địa bàn cư trú các cộng đồng ngữ hệ Thái tạo nên mảng lãnh thổ liền nhau từ đảo Hải Nam (Trung Quốc), qua miền Nam và Tây Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam, Lào, Thái Lan, Đông Bắc và Bắc Myanma, qua bang Atxam của Ấn Độ, cho đến Tây Bắc Campuchia và Bắc Malayxia.
Các cộng đồng thuộc ngữ Hệ Thái thế giới gồm khoảng hơn trăm triệu dân. Trong đó Vương quốc Thái Lan chiếm khoảng trên sáu mươi triệu người. Ở Lào, các tộc người Lào Lum đều thuộc ngữ hệ Thái, có khoảng 3 triệu dân. Ngoài ra người thuộc ngữ hệ Thái còn là dân tộc thiểu số có dân số khá đông và tạo nên dải lãnh thổ liền khu ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á của thế giới.
Người ta chia cộng đồng ngữ hệ Thái này thành hai ngành lớn: Ngành phía Đông và ngành phía Tây. Sự phân chia đại quát đó phản ảnh một thực tế các cộng đồng ngôn ngữ này đã chịu tác động lớn của hai nền văn hoá khổng lồ: Trung Hoa (Phía Đông) và Ấn Độ (Phía Tây). Mặc dù phân chia như vậy, nhưng trong sinh hoạt, tập quán canh tác, ngôn ngữ giao tiếp, văn học dân gian... vẫn còn gần như là một. Họ vẫn có thể hiểu nhau và dễ đồng cảm nhau mỗi khi có điều kiện tiếp xúc sau ít thời gian đầu ngỡ ngàng.
Điều đó nói lên rằng các cộng đồng này dù đã phân chia sâu sắc như ngày nay, nhưng đã có cùng một nguồn gốc. Hơn thế, các cộng đồng cùng nguồn gốc này đã trải qua một thời kỳ lịch sử lâu dài tồn tại và phát triển chung với nhau và giao lưu giữa họ vẫn còn tiếp tục kéo dài cho đến ngày nay.
Nhóm ngữ hệ Thái ở Việt Nam bao gồm 8 tộc người với 3.877.503 người (chiếm 5,08% dân số cả nước) sống chủ yếu ở khu vược Đông Bắc, Tây Bắc và phía tây Thanh Hoá, Nghệ An, trong đó đông nhất là người Tày, người Thái và người Nùng. Tộc người Tày gồm 1.447.513 người, sống tập trung ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Tộc người Thái gồm 1.328.725 người sống chủ yếu ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hoà Bình, Yên Bái và khu vực phía tây Thanh Hoá, Nghệ An. Tộc người Nùng gồm 856.412 người sống chủ yếu ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Quảng Ninh. Các tộc người Sán Chay: 147.315 người; Giáy: 49.098 người; Lào: 11.611 người; Lự: 4.964 người; Bố Y: 1.864 người đều sống ở khu vực miền núi Đông Bắc và Tây Bắc.
Dân tộc Thái ở nước ta cư trú khá tập trung trên giải đất liền từ Tây Bắc đến tây Khu bốn cũ. Họ cư trú khắp toàn tỉnh Sơn La, Lai Châu, tập trung thành các huyện thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An. Đặc điểm chung của dân tộc Thái là:
- Dùng cùng thứ văn tự có họ hàng với văn tự Khơme.
- Trang phục nữ căn bản thống nhất, chỉ khác về chi tiết.
- Có sách sử (Quam tô mương) căn bản giống nhau, khác nhau nhỏ về chi tiết mang tính địa phương.
- Mường Lay, Phong Thổ, Quỳnh Nhai (Lay, Xo, Chiên) ở phía Bắc.
- Mường Tấc (Phù Yên, Bắc Yên thuộc tỉnh Sơn La).
- Mường Sang (Mộc Châu - Sơn La)
Các nhóm Thái Hoà Bình (Mai Châu, Đà Bắc) gần với các nhóm Thái Thanh Hoá. Nhóm Thái Thanh Hoá còn chia hai phân nhóm khác nhau: Tay Do, Tay Đeng. Nhóm Thái Hoà Bình và Thanh Hoá cũng được gọi chung một cách không chính xác là Tay Đeng (Thái đỏ). Trong ký ức địa phương đồng bào nhận mình là Thái trắng.
Các nhóm Thái ở Nghệ An việc chia ngành đen trắng đã mờ nhạt.
Tuy có sự khác nhau nhỏ ấy nhưng người Thái có chung một nền văn hoá dân tộc phong phú và đa dạng. Ngôn ngữ là ngôn ngữ thống nhất của các phương ngữ, chữ viết là hệ chữ thống nhất với vài chi tiết mang tính địa phương, có chung một nền nghệ thuật và văn học đã phát triển khá cao.